Hiện nay, nhiều sinh viên nuôi mơ ước nhận được học bổng du học nước ngoài. Để xin được học bổng du học, thường có hai bước quan trọng là làm hồ sơ và đi phỏng vấn.
Hồ sơ: Mục tiêu học tập phải thực tiễn và cụ thể
Trong hồ sơ xin học bổng, đề cương nghiên cứu, các bài viết về mục tiêu học tập hay giới thiệu bản thân thường là những cơ sở quyết định bạn có được học bổng hay không. Khi viết đề cương nghiên cứu, bạn nên theo sát hướng dẫn trên trang web về học bổng muốn xin. Một đề cương mang tính cạnh tranh thường có dàn bài rõ ràng, bao gồm các lý do chọn đề tài, câu hỏi cần nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và các đóng góp dự kiến của đề tài.
Ngoài ra, bạn cần nêu một cách thuyết phục lý do tại sao cần phải xin học bổng đến nước đó để học tập hay nghiên cứu. Bạn có thể trao đổi với những người có chuyên môn để có thêm kiến thức và viết được một đề cương tốt. Bài viết về mục tiêu học tập hay nghiên cứu của bạn giúp cho Ban tuyển chọn hiểu rõ hơn về dự định tương lai cũng như khả năng đóng góp của bạn cho đất nước. Vì vậy, bạn cần nêu ra những mục tiêu thực tiễn và cụ thể về chuyên môn, văn hóa, cuộc sống mà bạn muốn đạt được. Tránh trình bày những điều chung chung hay quá viễn vông.
Những hoạt động ngoại khóa, giao lưu với cộng đồng mới, cũng là điều bạn nên quan tâm. Bởi lẽ, bất cứ chương trình học bổng nào cũng mong muốn ứng viên phải đảm trách được vai trò của một sứ giả văn hóa ở nơi họ đến.
Khi giới thiệu về bản thân, bạn cần nêu ra những ưu điểm về tính cách và năng lực của mình một cách chân thành và sinh động nhất. Bạn không nhất thiết phải trở thành một lãnh đạo tài ba của đất nước, nhưng bạn nên là người có khả năng tạo nên những thay đổi tích cực.
Ngoài ra, ngôn ngữ bạn sử dụng cần phải trong sáng và rõ ràng. Tránh vòng vo và sáo rỗng. Những tiêu chí về chính tả, chấm câu, tách đoạn đều phải được kiểm tra cẩn thận trước khi bạn nộp hồ sơ.
Phỏng vấn: Tạo phong thái tự tin, thoải mái
Trước khi phỏng vấn, bạn cần nắm rõ những thông tin mà bạn đã cung cấp trong hồ sơ xin học bổng. Tìm hiểu trước một số thông tin về thành phố hay trường bạn muốn đến cũng là điều nên làm.
Khi đi phỏng vấn, bạn nên ăn mặc trang trọng, gọn gàng để tạo được ấn tượng tốt. Một phong thái tự tin, thoải mái, kết hợp với ngôn ngữ điệu bộ, sẽ làm cho bạn trở nên sinh động trong lúc giao tiếp.
Cần nhìn thẳng vào người phỏng vấn và vui vẻ trong lúc chuyện trò. Khi Ban phỏng vấn gồm cả người Việt lẫn người nước ngoài, thì bạn nên chia sẻ ánh mắt cho mọi người và tránh việc chỉ nhìn vào người nước ngoài.
Đừng học thuộc lòng một bài nói đã chuẩn bị sẵn, bởi vì người phỏng vấn có thể cắt ngang hoặc chuyển đề tài và bạn có thể găp khó khăn. Cần trả lời trực tiếp, ngắn gọn và có thí dụ minh họa.
Những câu nói như: “Đây là một câu hỏi hay” hoặc “Đây là một câu hỏi khó” cần được sử dụng một cách tiết chế. Ham hiểu biết về nền văn hóa khác là một lợi thế, nhưng bạn cũng cần hiểu biết về tình hình xã hội và văn hóa Việt Nam để có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế.