Dinh 3 là tên gọi để chỉ biệt điện của vua Bảo Đại (Dinh Bảo Đại), vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ 1948 rồi thành lập “Hoàng triều cương thổ” vào 1950. Đây cũng là địa điểm tham quan không thể thiếu trong những tour đi Đà Lạt.
Dinh Bảo Đại Đà Lạt được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Dinh được bố trí trên một đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Đà Lạt của KTS Hesbrard dành cho dinh toàn quyền. Ngọn đồi này có độ cao 1539m ở đường Triệu Việt Vương.
Về hình thức kiến trúc, Dinh 3 cũng là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở Châu Âu. Dinh 3 được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ giữa các đám cỏ xanh.
Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Ngày nay, với sự hợp tác của những đại lý du lịch, du khách có thể vào tới tận trong dinh và thưởng ngoạn. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa.
Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh. Dinh 3 là một công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta.