Mang thai là một chuyện hệ trọng và có ý nghĩa cực kỳ thiêng liêng đối với bất kỳ người phụ nữ nào, đặc biệt là các chị em mang thai lần đầu . Tuy nhiên, do lần đầu nên không thể tránh khỏi những bối rối, lo lắng để làm sao cho con yêu được khỏe mạnh, thông minh và phát triển tốt nhất. Với những lưu ý cho chị em khi mang thai lần đầu dưới đây, mong rằng các mẹ sẽ có một thai kỳ đầu tiên thật khỏe mạnh và đáng nhớ:
1. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Ngay từ khi có ý định có thai hay cả trong thai kỳ, một trong những dưỡng chất quan trọng, không thể thiếu đó chính là axit folic – Một vi chất giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh và tật nứt đốt sống ở thai nhi. Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic bằng cách bổ sung các thực phẩm như: Trứng, sữa, cam, bơ, súp lơ, rau bina, đậu lăng, bông cải xanh, ngũ cốc thô…
Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đủ các nhóm chất đạm, bột đường và chất xơ, chất béo, canxi và sắt để thai nhi phát triển toàn diện. Việc bổ sung đủ chất dinh dưỡng không chỉ cần thiết lúc mang thai mà còn quan trọng trước mang thai 3 tháng và kéo dài đến khi sinh con và cho con bú.
2. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Đối với các chị em mang thai lần đầu, việc có một sinh linh bé bỏng đang dần hình thành chắc chắn sẽ khiến chị em không khỏi hồi hộp, lo lắng cộng thêm việc thiếu kinh nghiệm chăm sóc bản thân khi mang thai sẽ khiến tình trạng ốm nghén càng nặng thêm. Đa số các mẹ bầu lần đầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, cơ thể đau nhức và nặng nề hơn so với các mẹ khác.
Do đó, đây là thời gian mẹ bầu cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, hạn chế làm việc nặng và quá sức, tránh đứng một chỗ quá lâu. Khi cảm thấy mệt mẹ có thể nghỉ ngơi, đặc biệt là trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên mẹ cần hạn chế hoạt động mạnh để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
3. Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ trở nên nhạy cảm và hệ miễn dịch của mẹ cũng trở nên yếu hơn, khiến mẹ có thể gặp một số chứng bệnh, nhất là khi thời tiết thất thường, quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu lỡ không may, mẹ bị ốm cần hạn chế dùng thuốc kháng sinh, nếu kéo dài cần gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn dùng loại thuốc phù hợp mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Đồng thời, khi mang thai mẹ bầu cần chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình, tránh tiếp xúc với người bệnh, đến những vùng có dịch và rửa tay thường xuyên để cơ thể được khỏe mạnh và tránh phải dùng thuốc.
4. Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái
Đối với những chị em khi mang thai lần đầu, sự thay đổi về mặt tâm lý kết hợp với sự tăng giảm nội tiết tố sẽ khiến mẹ bầu có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mẹ bầu cũng cần chú ý rằng tâm lý của người mẹ có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, lúc này mẹ cần giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan bằng cách nghe các bản nhạc vui tươi, xem phim hài, đọc sách, đi dạo… để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, xinh tươi và thông minh.
5. Tập thể dục đều đặn
Trong thai kỳ, cơ thể mẹ bầu thường mệt mỏi và lúc nào cũng chỉ muốn nằm. Tuy nhiên, việc ít vận động chỉ khiến cho các cơn mệt mỏi thêm nặng nề. Chỉ cần mỗi ngày dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng để tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội, kegel… không chỉ giúp mẹ phấn chấn, thư giãn đầu óc mà còn giúp mẹ lưu thông khí huyết, duy trì cân nặng, cơ thể khỏe mạnh và sau này vượt cạn dễ dàng hơn.
Xuân An