Vật nuôi là những người bạn thân thiết và trung thành đối với trẻ nhưng đồng thời chúng cũng tiềm ẩn những mối gây hại đến sức khỏe của các bé. Mẹ cần biết những vật nuôi gây nguy hại cho bé để đảm bảo con trẻ khỏe mạnh, không bị lây nhiễm bất cứ loại vi khuẩn hay virus nguy hiểm nào từ thú nuôi.
Những vật nuôi gây nguy hại cho bé.
Theo Học Viện Nhi Khoa Hoa Kì khuyến cáo, các trẻ dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc với các loài bò sát, động vật lưỡng cư, động vật gặm nhấm, chồn, gà con và vịt…
Hiện nay, vật nuôi trong nhà đang trở thành xu hướng thịnh hành trong các gia đình. Thu cưng phổ biến và ưa chuộng nhất vẫn là chó và mèo, bên cạnh đó còn có chim, chuột, gà… ngoài ra một số gia đình cũng có sở thích nuôi thú độc và lạ. Tất cả những con vật đều có các vi khuẩn trú ngụ, đôi khi còn tiềm ẩn những loại virus nguy hiểm có thể lây truyền cho trẻ nhỏ. Một số loại thú nuôi có kích thước lớn còn có thể gây ra thương tích cho bé tiêu biểu như chó.
Những nguy hại mà vật nuôi có thể gây ra cho trẻ.
– Trong ruột non của chó mèo thường có ký sinh trùng sán dải, sán trưởng thành dài tới 3-6mm, đầu có 4 ống hút và một hàng móc đôi, trứng của sán dải thường theo phân thải ra ngoài và có thể sống từ vài tuần đến vài tháng. Khi bé vui đùa, vuốt ve vật nuôi rất dễ bị lây nhiễm trứng sán dải. Nếu trứng đi vào cơ thể bé, sẽ phát triển thành ấu nang có dạng bướu (đường kính từ 1-7 cm, chứa trên 2 triệu đầu sán). Sán dải phát triển gây đau bụng, tiêu chảy, ngứa ngoài da, dị ứng đối với trẻ nhỏ.
– Khuẩn salmonella có trong các loại bò sát và gà con có thể gây ra chứng ỉa chảy ra máu, đau bụng và sốt đối với bé.
– Ở khỉ tiềm ẩn vi khuẩn Herpe B.
– Các loại động vật như gia súc, cừu, dê… thường ẩn chứa vi khuẩn E.Coli gây nên chứng ỉa chảy rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.
– Ngoài ra, khi bé tiếp xúc với các vật nuôi còn có nguy cơ bị chúng cắn, hoặc tấn công gây tổn thương bên ngoài.
Lời khuyên cho mẹ để bảo vệ sức khỏe của bé.
– Mẹ phải rửa tay cho bé sạch sẽ bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
– Không để bé chạm tay vào động vật hoang dã hoặc ôm ấp chúng.
– Kiểm soát và hạn chế trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tiếp xúc với động vật, thú nuôi.
– Đặc biệt không để bé hôn vật nuôi hoặc cho tay vào miệng sau khi tiếp xúc với chúng.
– Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y và các bác sĩ nhi khoa để lựa chọn loại vật nuôi phù hợp và những cách để phòng tránh cho bé không bị lây nhiễm dịch bệnh từ những loại vật nuôi này.
– Chú ý, bảo đảm sức khỏe cho vật nuôi là bảo vệ an toàn cho bé. Hàng năm cần cho vật nuôi tiêm chủng và uống thuốc diệt sán theo định kỳ. Đây là việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng cho bé yêu và thú cưng của gia đình bạn.
Nhi Mai (tổng hợp)