Đau lưng là hiện tượng khá phổ biến ở bà bầu trong quá trình mang thai do trọng lực cơ thể thay đổi, điều này luôn khiến bà bầu cảm thấy khó chịu và gặp nhiều rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bà bầu vẫn có thể loại bỏ triệu chứng này bằng những cách đơn giản dưới đây.
Chế độ luyện tập
Những bài tập vận động nhẹ nhàng sẽ không chỉ giúp cho quá trình mang thai của mẹ bầu được đảm bảo về sức khỏe cho cả mẹ và bé mà nó còn là cách giảm triệu chứng đau lưng rất hiệu quả ở bà bầu.
Do vậy, khi mang thai, bạn có thể ưu tiên luyện tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hay bơi lội để góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể cũng như hỗ trợ tốt cho hoạt động cơ bắp, đồng thời làm giảm thiểu tối đa các cơn đau và giúp bà bầu có quá trình “ vượt cạn” sau này dễ dàng hơn.
Đi giày dép phù hợp
Giày dép phù hợp cũng là yếu tố giúp bà bầu tránh được tình trạng đau lưng trong thai kỳ. Do vậy, bạn nên chọn giày dép phù hợp với kích cỡ chân của mình để đảm bảo được thoải mái tránh mang giày cao gót hay dép xỏ, vì điều này sẽ càng khiến bà bầu cảm thấy khó chịu hơn khi mang thai đồng thời nó còn rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé khi chẳng may bà bầu bị trượt, ngã khi đi giày cao gót.
Massage và chườm ấm
Massage nhẹ nhàng hoặc chườm ấm sẽ là phương pháp tuyệt vời giúp cải thiện lưu thông máu và cho lưng được thư giãn.
Về phương pháp massage bạn có thể tìm đến chuyên gia có kinh nghiệm hoặc nhờ người thân massage nhẹ nhàng để tránh tình trạng không biết cách, bấm huyệt không đúng có thể gây sinh non, còn về phương pháp chườm ấm bạn nên để ở nhiệt độ vừa ấm, không nên nóng quá để tránh ảnh hưởng cho thai nhi và giúp bà bầu được thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
Điều chỉnh tư thế
Bà bầu đau lưng nhiều hay ít một phần cũng là do tư thế của bà bầu có đúng cách hay không. Do vậy, để giảm bớt được triệu chứng đau lưng, bạn cần phải đặc biệt lưu ý cả 3 tư thế, đó là tư thế đứng, ngồi, ngủ.
Về tư thế đứng, bạn không nên đứng một chỗ trong thời gian dài, nên dành 30 phút cho lưng được nghỉ ngơi. Cột sống và vai nên giữ cho thẳng, phần cằm ngước lên còn mông thì ép chặt vào người. Khi đi bộ, nên bước từng bước nhỏ để tránh trượt, ngã gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Về tư thế ngồi, bạn cũng nên giữ cho vai và cột sống được thẳng, tránh khom lưng, đồng thời bàn chân được đặt chắc chắn trên mặt đất để đầu gối vuông góc 90 độ, phần hông và lưng dưới chạm vào lưng ghế. Không nên ngồi quá lâu một chỗ, nếu làm việc văn phòng, thỉnh thoảng bạn cũng nên đi lại nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến lưng và cột sống.
Về tư thế ngủ, ở thời điểm bụng to ra, bạn nên ngủ nghiêng về phía bên trái để giữ máu được lưu thông và không gây áp lực lên các tĩnh mạch, bạn cũng có thể kê một chiếc gối mềm dưới bụng để cơ thể thoải mái hơn và giúp giấc ngủ sâu hơn.
Tránh mang vác vật nặng
Mang vác vật nặng khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể mà còn có tác động không nhỏ đến thai nhi. Do vậy, bạn cần tránh xa những vật nặng, và nếu mang thì chỉ mang những vật có trọng lượng nhẹ, vừa phải.
Mẹ bầu cũng nên lưu ý, khi nâng một vật đặt ở dưới sàn nhà, không nên cúi người và nâng như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến sống lưng, tốt nhất là nên ngồi xổm xuống rồi từ từ nâng lên, bạn cũng không nên xoay người khi đã ngồi xổm vì như vậy sẽ gây tổn thương đến sống lưng và làm ảnh hưởng đến em bé trong bụng, chính vì thế nếu cần phải xoay người thì bạn hãy đứng lên từ từ rồi mới xoay về hướng mình cần nhé!
Ngọc Duyên (T/h)