Các bà mẹ nên chú ý đến việc bị rối loạn nhịp sinh học hoặc rối loạn tâm lý khi lần đầu trẻ nhập học. Đây là chuyện thường thấy ở các bé khi chưa quen môi trường mới. Ngoài ra, trẻ còn có thể dễ mắc thêm một số bệnh truyền nhiễm khác, nên việc chủ động phòng bệnh cho trẻ mới lần đầu đi học là rất cần thiết. Sau đây, BS Nguyễn Thị Kim Thoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ giới thiệu một số vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ và cách phòng tránh:
1. Phòng bệnh cho trẻ lần đầu đi học: Rối loạn tâm lý
Không thích đến trường là điều là hầu hết các trẻ vừa mới đi học mắc phải. Việc thay đổi đột ngột môi trường sinh hoạt mà chưa sẵn sàng tâm lý khiến trẻ thường có những biểu hiện phản kháng, khóc la đòi về, rối loạn ăn uống, giấc ngủ. Hoặc tệ hơn là có những biểu hiện như dễ cáu gắt, rối loạn tiểu tiện, thay đổi tính tình…
Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc trên, các bậc phụ huynh cần phải có thời gian quan tâm, động viên, chuẩn bị tâm lý cho trẻ; khuyến khích trẻ năng động, tự tin giao tiếp với bạn bè và người lớn, nhẹ nhàng trò chuyện giải thích cho trẻ biết về sự cần thiết của việc đến trường…
2. Phòng bệnh cho trẻ lần đầu đi học: Nhiễm trùng đường nước tiểu
Khi thấy trẻ có thường xuyên có tình trạng tiểu ít, nước tiểu sậm, tiểu lắt nhắt và tiểu són trong quần… thì rất có thể trẻ đang bị nhiếm trùng đường nước tiểu. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lý ở môi trường mới và xa lạ nên trẻ ngại ngùng nín tiểu, ít uống nước, và không vệ sinh sạch sẽ. Bệnh này thường bé gái hay mắc phải hơn bé trai do đặc thù sinh học. Cần đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để khám nếu tình trạng kéo dài.
3. Phòng bệnh cho trẻ lần đầu đi học: Một số bệnh truyền nhiễm
Do ở chung trong một môi trường tập thể nên trẻ rất dễ bị lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp và nhiễm siêu vi. Biểu hiện của bệnh về hô hấp là trẻ thấy khó chịu trong người, sốt liên tục vài ngày, kèm theo các triệu chứng ho, chảy nước mắt, nước mũi. Lúc này, việc cần thiết các bậc phụ huynh nên làm là tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, máy lạnh; chích ngừa đầy đủ cho trẻ và cách ly trẻ với người bệnh để tránh lây lan không mong muốn. Khi trẻ có biến chứng thành viêm phổi, trẻ sẽ sốt cao trên 38 độ 5, khó thở, nhịp thở nhanh, ho đàm; trẻ sẽ có biểu hiện uể oải, mệt mỏi. Dấu hiệu của bệnh đã trở nên trầm trọng là khi trẻ tăng nhịp thở đột ngột và sốt rất cao. Lúc này bạn cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chăm sóc kịp thời.
Vào mùa mưa, cần chú ý giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh sốt siêu vi. Trẻ bị nhiễm siêu vi không có biểu hiện rõ ràng về vận động, nhưng thường có dấu hiệu mệt mỏi biếng ăn. Cần chú ý không cho trẻ dầm mưa hay chơi ngoài nắng, đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Khi ngủ nên mắc mùng, sử dụng các loại kem chống muỗi để phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Khi trẻ bị sốt cao kèm theo các triệu chứng chấm nhỏ nổi li ti trên da, xuất huyết ở tay chân, thân mình, chảy máu răng, chảy máu cam… thì nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để sớm điều trị sốt xuất huyết.
(Tổng hợp)