Khi mang thai 28 tuần, cả bà bầu lẫn thai nhi đều có những thay đổi nhất định. Vì vậy, “những thay đổi đó là gì?”, “cần chăm sóc bà bầu như thế nào trong giai đoạn này?” chắc hẳn luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Mang thai 28 tuần và sự phát triển của em bé.
Ở tuần mang thai thứ 28, thai nhi có thể nặng 1,1kg và cao hơn 38cm. Từ thời điểm này cho đến khi mẹ sinh, em bé sẽ có sự tăng trưởng nhanh về cân nặng lẫn chiều cao.
Các lớp mỡ dưới da bé dần được tích tụ làm da bé đỡ nhăn nheo hơn trước. Đôi mắt vẫn tiếp tục hoàn thiện qua từng ngày trong khi các neuron thần kinh cũng được phát triển lên con số hàng triệu tế bào. Nhờ vậy mà khi sinh ra, bé đã có não bộ và hệ thần kinh hoàn chỉnh để có thể cảm nhận dần dần thế giới xung quanh cũng như tình yêu thương đến từ ba mẹ.
Lúc này, bé đã vững chắc hơn và phổi cũng đã có thể thực hiện chức năng hít thở. Móng tay của bé đã được hình thành đầy đủ và ở tuần 28 này, bé có thể thường xuyên xoay ngôi trong bụng mẹ.
Mang thai 28 tuần và những thay đổi của bà bầu.
Do thai nhi càng ngày càng lớn nên bàng quang của bà bầu sẽ bị chèn xuống khiến các mẹ đi tiểu thường xuyên hơn mọi ngày. Điều này sẽ làm bà bầu khó chịu và bất tiện, tuy nhiên bạn vẫn nên làm quen với điều đó và cần chú ý giữ gìn vệ sinh để tránh nhiễm trùng đường tiểu. Bên cạnh đó, khi tử cung to ra cũng làm bà bầu dễ bị trĩ nhưng tình trạng này thường hết sau khi sinh một vài tuần.
Khi mang thai 28 tuần, bà bầu cũng dễ bị mất ngủ vào buổi tối, hạ huyết áp khi nằm ngửa và bị chuột rút ở chân. Ngoài ra, các mẹ còn luôn thấy mệt mỏi, nặng nề và khó tập trung trong công việc.
Mang thai 28 tuần và cách chăm sóc bà bầu.
Cũng như các tuần mang thai trước, ở tuần 28, bà bầu nên có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối giữa các dưỡng chất: tinh bột, chất béo, protein, vitamin, axit folic, sắt,… Đồng thời, hãy uống đủ sữa, bổ sung thêm sữa chua, phô mai, trứng,… để cung cấp canxi cho cơ thể bởi đây là tuần mà bé hấp thụ rất nhiều canxi.
Để tránh tình trạng trĩ ngày thêm tồi tệ, bà bầu hãy uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, tránh đứng hay ngồi quá lâu và nên tập thể dục thường xuyên. Để không bị chóng mặt, tốt hơn hết bà bầu nên nằm nghiêng một bên khi ngủ và không chuyển đổi giữa các tư thế quá nhanh.
Bà bầu tuyệt đối không được ăn, uống những thực phẩm chứa caffein nếu không muốn bị mất ngủ vào mỗi tối. Không gian ngủ thoáng đãng, yên tĩnh, sạch sẽ cùng với một chiếc giường êm ái sẽ giúp các mẹ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Dù bị khó ngủ nhưng bà bầu cũng không nên sử dụng các loại thuốc ngủ, an thần bởi chúng đều không tốt cho con của bạn.
Hãy nghỉ ngơi và chia sẻ với mọi người nhiều hơn để giữ tâm trạng luôn thoải mái, vui vẻ. Bà bầu cũng có thể tự nói chuyện với con, cho con nghe nhạc để mối quan hệ mẹ con ngày thêm gắn kết. Cuối cùng, bà bầu đừng quên việc đi khám thai định kỳ và tìm gặp bác sĩ bất cứ khi nào cơ thể có những dấu hiệu bất thường nhé.
Thanh Ngọc