Ra đời muộn hơn các làng gốm khác như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng nhưng gốm Đông Triều Quảng Ninh nhanh chóng khẳng định được thương hiệu với các sản phẩm gốm mạc mạc rất đặc trưng của riêng mình.
Tỉnh Quảng Ninh có 4 làng nghề gốm tập trung ở khu vực Đông Triều và thị xã Quảng Yên. Làng gốm Đông Triều ra đời khoảng hơn 50 năm trước, khi các ông chủ Lò gốm từ Móng Cái xuống đây lập nghiệp. Tuy ra đời muộn nhưng gốm Đông Triều nhanh chóng phát triển do có những lợi thế về nguồn nhân lực, đất sét, cao lanh và gỗ đốt lò dồi dào trên địa bàn. Gốm Đông Triều được làm từ đất sét trắng pha cát và nung trong những lò rồng nhiều khoang (bầu); sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nghề sản xuất gốm ở Đông Triều không gây ô nhiễm môi trường nhiều, vì không có nước thải ra ngoài trong quá trình nhào nặn đất sét và sản phẩm là gốm nặng lửa thường nung ở nhiệt độ cao từ 1.280 đến 1.300 độ nên rất ít khói thải. Sản phẩm gốm, sứ Đông Triều dùng bền vì được làm chủ yếu bằng cao lanh, nung trong lửa ở nhiệt độ hơn 1.300 độ C chính vì thế nên mỗi sản phẩm ra lò gõ vào nghe vang như tiếng chuông ngân. Làng nghề cổ này cũng góp phần đẩy mạnh nghành du lịch Quảng Ninh với vai trò như một địa điểm tham quan.
Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng gốm Đông Triều là vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thời ấy một xóm nhỏ cũng có đến chục lò hoạt động. Mỗi năm hàng trăm nghìn sản phẩm gốm, sứ Đông Triều được sản xuất và tiêu thụ đi trong và ngoài nước. Nghe những người già cả trong làng kể lại, men chảy một loại men mà người Trung quốc nắm giữ bí quyết cũng được một lão thành ở vùng này tìm tòi ra. Sứ Đông Triều hoá ra cũng đã có một thời hoàng kim như thế.
Thế nhưng, thời kỳ đó nay chỉ còn là dĩ vãng. Cả làng gốm Đông Triều hiện giờ chỉ còn hơn chục lò hoạt động, giá nguyên liệu đắt nên đa số lò chỉ hoạt động cầm chừng. Các lò nhỏ chắc nay mai rồi cũng tắt lửa nốt. Không có thương hiệu, sứ Đông Triều giờ muốn bán đi các nơi đều phải qua cửa Bát Tràng. Những sản phẩm gốm Đông Triều chỉ còn đực giới thiệu lác đác trên những web du lịch như một sản phẩm văn hóa làng nghề. Trong thời buổi kinh tế thị trường vậy nhưng do không được đầu tư, thiếu hụt về nhân lực, nguồn nguyên vật liệu thì ngày càng cạn kiệt nên gốm sứ Đông Triều vẫn chỉ sản xuất vài sản phẩm quen thuộc sử dụng trong đời sống hàng ngày chứ không định hướng nâng cấp hay phát triển các sản phẩm của mình bắt kịp với thị trường.
Bây giờ về Đông Triều bên cạnh vài sản phẩm cũ kỹ vẫn còn xót lại được sản xuất từ các lò sản xuất nhỏ lẻ, chỉ còn thấy những màu xanh, màu đỏ của gốm, sứ…Trung Quốc. Khách du lịch nếu có dừng chân ghé qua Đông Triều cũng không còn thấy đâu hình ảnh hoàng kim của một làng nghề mà chỉ thấy hình ảnh…Trung Quốc. Vậy mới thấy buồn, nói cho cùng thì Gốm Đông Triều đã xa rồi một thời hoàng kim.